Hẳn nhiều người trong chúng ta biết đến các mẹo vặt mà dân gian như chữa mụn cơm bằng quả cà gai hoa trắng, chữa hóc xương cá, muỗi cắn…
Dù ở góc nhìn nào đi chăng nữa thì ẩn sau những mẹo dân gian này là những lý giải rất thú vị không phải ai cũng biết.
Tại một số nơi thuộc khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Ninh Bình, người dân có mẹo chữa mụn cơm bằng việc dùng lưỡi dao lam cắt quả cà dại hoa trắng (có nơi gọi là cà dại) rồi tiếp tục dùng lưỡi lam đó cắt mụn cơm thì sẽ khỏi…
Cắt mụn không để ai nhìn thấy
Mẹo cắt mụn cơm này được phóng viên Báo KH&ĐS sưu tầm trong những chuyến công tác đến các địa phương thuộc phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và một số huyện ở Ninh Bình, Hòa Bình. Điểm đặc biệt là người dân ở các khu vực trên dùng cà dại như thực phẩm hằng ngày như ăn sống, muối. Cây thường cao đến 2 – 3m, mọc ở bờ rào, sườn đồi, ven suối… Cà dại có đặc điểm, thân nhiều gai, lá to, dưới lá cũng có gai non, quả nhỏ bằng đầu ngón tay và có vân xanh, trắng đục. Quả cà dại thường hắc hơn nhiều so với cà nhà, vị đắng chát…
Theo kinh nghiệm dân gian, nếu một người muốn cắt mụn cơm thì chỉ dần dùng một con dao nhỏ mài sắc hoặc một lưỡi dao lam sau đó dùng lưỡi dao cắt nửa quả cà dại (phải chia quả cà ra làm 2 phần là phần đầu và phần cuống, phần cuống cà vẫn ở trên cây, không ngắt xuống). Khi cắt quả cà xong, tiếp đến người ta sẽ dùng chính con dao đó cắt ngang mụn cơm. Cắt xong mụn cơm lại dùng nửa đầu quả cà vừa cắt chà xát lên vết thương, khi nào nửa cuống úa vàng rơi xuống gốc thì lúc đó vết thương sẽ lành, mụn cơm cũng tan biến. Một điểm đáng lưu ý là khi cắt mụn cơm, người cắt phải nhằm lúc buổi trưa hoặc tối để không ai nhìn thấy hành động, nếu không thì mụn sẽ tái phát.
Bà Nguyễn Bích Lan, xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Dân chúng tôi sử dụng mẹo chữa mụn cơm này từ lâu lắm rồi. Mẹo này không phải là bí quyết gia truyền cho nên người này mách người khác, nên không xác định được “tác giả” của cách chữa mụn cơm lạ lùng này. Trước đây, tôi bị mụn cơm ở tay, sau đó được một người hàng xóm mách cho mẹo hay. Ban đầu tôi không tin và cũng sợ vì phải tự lấy dao cắt tay thì ghê lắm. Nhưng sau này, tôi thử áp dụng cách đó thì thấy khỏi, mụn không mọc lại nữa. Cũng mẹo đó, tôi mách đứa con dâu làm nhưng nó lại không khỏi. Có lẽ do vía từng người”.
Theo ông Quách Bá Ngọ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình thì mẹo chữa mụn cơm bằng quả cà dại là bài thuốc được người Mường ở Hòa Bình sử dụng từ rất lâu đời. Do người Mường không có chữ viết, nên từ trước đến nay, việc chữa mụn cơm bằng cà dại hoa trắng chỉ được truyền miệng. Mẹo này còn được dân gian biến hóa thêm với các kiêng kỵ khác nhau. Chẳng hạn ngoài việc không được để ai nhìn thấy trong quá trình cắt mụn thì bà chửa, phụ nữ cho con bú không được dùng. Hoặc sau khi cắt mụn thì người đó phải lấy quả cà dại về luộc ăn trong vòng 3 ngày…
Cà dại là một vị thuốc
Có nhiều góc nhìn và nhiều cách lý giải khác nhau về mẹo chữa mụn cơm bằng quả cà dại.
Dưới góc nhìn không gian văn hóa, một số chuyên gia cho rằng, đặc điểm của cà dại là mọc chủ yếu ở trung du, miền núi. Nơi này gắn với tập quán sinh hoạt của cư dân các dân tộc thiểu số như Mường, Thái, Thổ, Dao… Việc ăn các loại rau, quả mọc hoang dại cũng như săn bắt thú rừng là một đặc điểm có từ lúc sơ khai, là tàn dư của cuộc sống thời kỳ săn bắt, hái lượm. Còn việc dùng quả cà dại để chữa mụn với phương pháp có vẻ huyền kỳ, thậm chí ma quái như vậy có thể coi là biến thể của quan niệm về thần cây, thần núi. Muốn chữa khỏi bệnh thì không được cho người khác nhìn thấy, phải niệm chú xin thần cây chữa bệnh…
Về góc độ y học, cà dại hoa trắng có tác dụng hoạt huyết, tán cứ, giảm đau, trừ ho… cà dại hoa trắng có tên khoa học là Solanum torvumSwartz, thuộc họ cà Solanaceae. Trong quả cà dại hoa trắng có chứa sitosterol có tác dụng chống oxy hoá, giảm và ngăn ngừa cholesterol trong máu, làm tăng hàm lượng chất HDL-C, thành phần quan trọng để bảo vệ tim mạch, phòng chống xơ vữa động mạch. Ngoài ra, cà dại hoa trắng còn chứa chất béo và hoạt chất ancaloit. Trong y học, ancaloit là hợp chất hữu cơ thường gặp ở thực vật và một số loài động vật cũng có chất này. Ancaloit được coi là loại chất độc gây tổn thương đến hệ thống thần kinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó lại là biệt dược chữa đau, gây tê như morphin hay codein…
Theo lương y Nguyễn Hữu Toàn, Phân tích mẹo chữa mụn cơm có thể thấy, việc bôi quả cà dại hoa trắng vào vết thương và lấy dao cắt quả cà trước khi cắt mụn là để giảm đau. Do trong quả cà có chứa một hàm lượng nhất định chất ancaloit cho nên làm cho người ta cảm thấy không đau đớn như tưởng tượng trước đó. Còn việc mụn cơm không tái phát sau khi cắt thì có thể phải xem xét thêm mặc dù trong các tài liệu y khoa chính thống chưa bao giờ nhắc đến điều này. Tuy nhiên, có thể trong quả cà có thể chứa một hoặc một số hoạt chất có khả năng ức chế virus human, papinlloma, HPV.
Cũng theo lương y Nguyễn Hữu Toàn thì việc người dân áp dụng mẹo trị mụn cơm có người khỏi, người không là do mỗi người bị một dạng HPV khác nhau. Ví dụ, hoạt chất có trong quả cà có thể chữa được mụn do dạng HPV tuýp 1 gây ra nhưng tuýp 2, tuýp 3 lại không chữa được và ngược lại. Do vậy, cần phải xác định xem người bị mụn cơm có nguyên nhân từ dạng nào thì mới áp dụng thành công được.
Nguồn: kienthuc.net.vn